coopmart-ban cua moi nha
 
Hàng ngàn người hưởng ứng dự án Cộng đồng xanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Nằm trong chuỗi dự án của Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh 2014, trong hai ngày 21 và 22/6/2014, 10 siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Co.opmart gồm Co.opmart Bình Tân, Co.opmart Bình Triệu, Co.opmart BMC, Co.opmart Hòa Bình, Co.opmart Lý Thường Kiệt, Co.opmart Phan Văn Trị, Co.opmart Phú Thọ, Co.opmart Thắng Lợi, Co.opmart Xa Lộ Hà Nội, Co.opXtra đã đồng loạt triển khai dự án "Cộng đồng xanh". Chương trình đã thu hút hàng ngàn người dân tham gia.


Người dân mang đồ cũ đến đổi quà tại siêu thị

Đổi rác lấy quà…

Các tình nguyện viên đã đến tuyên truyền trước đó ở hàng trăm tuyến đường xung quanh các siêu thị để kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng chương trình. Cụ thể với số lượng nhựa hoặc vỏ hộp sữa nhất định (tính theo kg), người dân có thể đổi được những sản phẩm thiết yếu cho gia đình mình như bột giặt, nước xả vải... Kết quả sau hai ngày, đã có 1.150kg nhựa với hơn 10.000 vỏ hộp sữa được thu đổi, tăng gấp đôi so với lần thực hiện tương tự trong chuỗi hoạt động của chiến dịch Giờ Trái đất xanh vào tháng 3-2014. Theo đó, những sản phẩm là rác vô cơ mà người dân đem đến tiếp tục biến thành những sản phẩm thân thiện môi trường và sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Cũng trong tuần trước tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, vào hai ngày 14 và 15-6, các tình nguyện viên đã hướng dẫn cho khách hàng cách tái chế các rác thải vô cơ thành những vật dụng có ích cho gia đình. Mọi người khi tham gia dự án sẽ được tặng những phần quà hấp dẫn từ những vật liệu đã được tái chế như móc khóa, ly giấy, khung ảnh, vật trang trí … Các tình nguyện viên còn tư vấn trực tiếp cho mọi người hiểu rõ hơn về lợi ích của rác thải. Đây hoàn toàn là nguồn nguyên liệu sản xuất chứ không phải là thứ bỏ đi. Từ đó thay đổi cách ứng xử của con người với rác thải…


Tư vấn cho người dân về những lợi ích của rác thải

Giải pháp xanh cho bảo vệ môi trường

Hiện thành phố có khoảng 7.000 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Con số này sẽ còn tăng từ 7% - 15% từ nay đến năm 2020. Nếu rác thải không được phân loại tốt, giúp tăng tỷ lệ rác tái chế thì sẽ gây nên áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý rác thải. Trong đó, rác đem chôn lấp thì không còn bãi tiếp nhận. Nhà máy xử lý chất thải thành sản phẩm có lợi cho môi trường thì thiếu nguyên liệu sản xuất… Toàn bộ sản phẩm thu đổi được của dự án đến cuối cùng sẽ chuyển giao sang cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM để tái chế thành dầu diesel sinh học. Khối lượng dầu diesel sinh học bán được sẽ góp vào quỹ hỗ trợ những bệnh nhân nan y, mà nguyên nhân sâu xa là từ tiếp xúc môi trường sống ô nhiễm, nhưng không có khả năng tài chính để theo đuổi việc khám chữa bệnh lâu dài. Bên cạnh đó, việc thu gom vỏ hộp sữa còn dùng để tái chế thành tấm lợp sinh thái. Toàn bộ tấm lợp này sẽ được sử dụng để thay mới cho các trường học điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn trên địa bàn TP.HCM.

Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2014 gởi gắm thông điệp đã có sự cải tiến thiết thực đầy tính kêu gọi “Tiêu dùng xanh, Trái đất sạch”: mọi người cùng kết hợp hành động sẽ giúp Việt Nam chúng ta thoát khỏi nhóm 10 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và cũng là nhóm 10 nước có chất lượng không khí, môi trường ô nhiễm nhất thế giới. Có thể nói, bằng những dự án có tính thực tiễn cao như trên, chiến dịch lần này hứa hẹn sẽ đi vào chiều sâu mà ở đó hành động bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng, của chính mỗi người sẽ được định hình rõ nét hơn.

  Tags: