Cột mốc mới trên thị trường bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Tiềm năng của thị trường khiến cuộc đua của các nhà bán lẻ ở từng mô hình, phân khúc khách hàng trở nên sôi nổi, quyết liệt và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Dư địa của thị trường
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường và số liệu từ các cơ quan thống kê, tỷ lệ mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn ở dưới mức 20%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện tại, tỷ lệ này ở Indonesia là 43%; Thái Lan là 46%; Malaysia 53% và Trung Quốc 64%.
Xét theo các thành phố lớn, khảo sát của Nielsen Việt Nam vào năm 2011 cho thấy bán lẻ hiện đại tại Hà Nội đạt tỷ lệ 16%, tại TPHCM là 37%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực. Như tại Thượng Hải (Trung Quốc), tỷ lệ này đã lên mức 88%, trong khi ở Kuala Lumpur (Malaysia) là 63%; Bangkok (Thái Lan) 70% và Jakarta (Indonesia) 66%.
Theo thống kê, hiện cả nước có 717 cửa hàng bán lẻ hiện đại, 8.600 chợ truyền thống. Cơ quan quản lý về bán lẻ là Bộ Công Thương mong muốn đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại. Lúc đó, tỷ trọng bán lẻ hiện đại đạt 43%.
Dựa vào những con số trên, các nhà bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), chủ sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart và cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, cho biết :Tiềm năng lớn của thị trường khiến cuộc cạnh tranh diễn ra rất quyết liệt, sôi nổi, ngay cả giữa các nhà bán lẻ kỳ cựu (có mặt ở thị trường từ lâu). Các nhà bán lẻ, nhất là những đối thủ trực tiếp, theo sát nhau trên từng con đường, khi mở rộng mạng lưới bán lẻ. Không chỉ vậy, cuộc cạnh tranh còn diễn ra quyết liệt ở các nhà bán lẻ trong việc phát triển nhiều mô hình kinh doanh khác nhau trên thị trường để khai thác mọi phân khúc khách hàng khác nhau.
Thời điểm cho mô hình mới
Saigon Co.op cho biết, theo công ty nghiên cứu thị trường A.T Kearney, thị trường bán lẻ hiện đại có bốn giai đoạn phát triển: khởi đầu, phát triển, suy giảm và đóng cửa. Mỗi giai đoạn tương ứng với từng mô hình bán lẻ, nhu cầu của người tiêu dùng và chiến lược của các nhà phân phối.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển, từ năm 2006 đến nay. Điều này thể hiện ở việc người tiêu dùng bắt đầu hình thành những nhu cầu cụ thể và ngày càng khó tính hơn. Các nhà bán lẻ đã và đang liên tục đa dạng hóa các mô hình bán lẻ để đáp ứng nhu cầu này, từ siêu thị, đại siêu thị,trung tâm phân phối sỉ đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm ...Sự phát triển không chỉ dừng lại ở số lượng cửa hàng của từng mô hình mà còn ở tính chuyên nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, những mô hình đã và đang được phát triển vẫn là chưa đủ. Người tiêu dùng Việt Nam cần được chăm sóc nhiều hơn bởi các mô hình hiện đại mới mà ở đó, khách hàng không chỉ được thỏa mãn mọi nhu cầu với giá cả hợp lý mà còn được cùng nhau trải nghiệm không gian mua sắm thú vị. Đây cũng chính là động lực để sự dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại diễn ra nhanh hơn.
Bà Hạnh cho rằng, thời điểm này là lúc thích hợp để mô hình đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn ra đời. Cơ sở của nhận định này là những đặc điểm về dân cư, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tình hình nền kinh tế.
Với mô hình đại siêu thị, các “đại gia” bán lẻ trên thế giới đã đạt được tốc độ phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ.
Carrefour, nhà bán lẻ của Pháp, được coi là một trong những đại gia bán lẻ trên toàn cầu. Tính đến hết năm 2011, Carrefour đã có đến 1.452 đại siêu thị trên toàn thế giới.
Nhà bán lẻ Tesco, tính đến tháng 11-2012 đã có 230 đại siêu thị tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., đóng góp 42,6% doanh thu.
Còn với Dairyfarm, chỉ trong năm 2012, nhà bán lẻ này đã mở thêm 7 đại siêu thị và doanh thu ước tính tăng 10%, đạt 6,1 triệu đô la Mỹ.
Tại nhiều quốc gia trong khu vực, mô hình đại siêu thị cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường bán lẻ. Tại Malaysia, đại siêu thị, siêu thị chiếm 67% thị phần của các loại hình bán lẻ. Tại Thái Lan, mô hình đại siêu thị có thị phần gần gấp đôi siêu thị.
Đối với Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, tốc độ phát triển các khu cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng hay những khu phức hợp vùng ven trung tâm diễn ra nhanh chóng, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.. Với quy mô 4.000-10.000 mét vuông, bày bán khoảng 30.000-50.000 sản phẩm, đại siêu thị là điểm đến hấp dẫn với các hộ gia đình, người tiêu dùng với không gian mua sắm tiện nghi, hiện đại cùng nhiều tiện ích khác. Riêng mô hình đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với quy mô 9.000-10.000 mét vuông đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, từ hộ gia đình đến khách hàng là các công ty, xí nghiệp, các nhà hàng, khách sạn... sẽ được xây dựng tại vùng ven trung tâm, các khu phức hợp...
Cũng theo bà Hạnh, ngoài việc tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart, CoopFood … thì việc phát triển mô hình mới là đại siêu thị, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn là bước đi cần thiết để Saigon Co.op xác lập vị thế, gia tăng thị phần trên thị trường.
Saigon Co.op đang cùng đối tác NTUC FairPrice - một đơn vị hợp tác xã tại Singapore, nhà bán lẻ hàng hàng đầu, chiếm hơn 60% thị phần tại đảo quốc Sư tử với 250 điểm bán ở nhiều mô hình kinh doanh, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc vận hành mô hình Đại siêu thị- sẽ cùng đầu tư mô hình kinh doanh chuỗi đại siêu thị và cửa hàng đầu tiên mang tên Co.op Xtra plus vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn sẽ có mặt tại quận Thủ Đức, TPHCM. Đây là đại siêu thị đầu tiên tại TPHCM, đánh dấu cột mốc quan trọng trên tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ của Saigonco.op. Đại siêu thị Co.op Xtra plus được dự kiến sẽ chính thức khai trương vào ngày 17/5/2013 với mong muốn đem đến sự trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng.
|