coopmart-ban cua moi nha
 
Từ mậu dịch viên đến người bán hàng toàn cầu

Nhắc đến lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), người ta thường nghĩ đến Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op và ngược lại.


Người tiêu dùng mua hàng tại Co.opmart

Saigon Co.op đã trở thành niềm tự hào, một minh chứng sống cho sự phát triển KTTT tại Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu cao quý "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới" do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Ưu tiên phát triển hàng Việt

Khởi nghiệp từ năm 1989, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, nền kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, mô hình kinh tế HTX kiểu cũ thật sự khó khăn và lâm vào tình thế khủng hoảng, phải giải thể hàng loạt.

Trong bối cảnh đó, ngày 12-5-1989, UBND TPHCM có chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý HTX Mua bán TP trở thành Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op với 2 chức năng trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX. Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Ngày 9/2/1996 đã trở thành bước ngoặt, không thể quên đối với tập thể Saigon Co.op khi siêu thị đầu tiên là Co.opmart Cống Quỳnh được khai trương. Để tạo sự khác biệt và cạnh tranh tốt hơn với một số siêu thị ra đời trước đó, chủ yếu bán hàng ngoại nhập, ban lãnh đạo Saigon Co.op xác định và lựa chọn con đường kinh doanh hàng Việt, là nhà phân phối thuần Việt, xuất phát từ mục đích phục vụ rộng rãi người dân theo đúng bản chất HTX.

Để thực hiện được sứ mệnh này, Saigon Co.op đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho DN như: ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, thực hiện các chương trình truyền thông, khuyến mãi cho các DN Việt. Nhờ lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên đoàn HTX Thụy Điển, Saigon Co.op đã tiến rất nhanh trong việc xây dựng được một mô hình bài bản, với quy trình quản lý, kinh doanh hiện đại, từ trang trí đến tiếp thị hàng hóa.

Bước sang năm 2009, khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Saigon Co.op nhanh chóng vào cuộc với nhiều chương trình cụ thể, hấp dẫn và hiệu quả. Hàng năm, ban lãnh đạo Saigon Co.op chủ trương chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Cũng từ năm 2009, Saigon Co.op đã đổi tên "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành chủ đề "Tự hào hàng Việt", được tổ chức định kỳ tháng 9 hàng năm, với quy mô và kinh phí rất lớn. Đây là nền tảng để hàng Việt ngày càng tìm được chỗ đứng vững chắc trên các quầy kệ. Hiện tại, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống Co.opMart đã lên đến hơn 90%.

Hướng đến mô hình tập đoàn phân phối

Bên cạnh việc kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ vốn, công nghệ, bao tiêu sản phẩm tạo đầu ra ổn định cho hàng loạt các HTX sản xuất tại TPHCM, cũng như các tỉnh, thành phát triển, Saigon Co.op còn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng. Ở góc độ địa phương, Saigon Co.op trở thành một trong những đơn vị nòng cốt trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM trong việc quản lý và điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Gần 30 năm hình thành, với biết bao thăng trầm cùng sự biến động của kinh tế nước nhà, từ một tổ chức HTX nhỏ, yếu về vốn, kém về kinh nghiệm, đến nay Saigon Co.op đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trên thị trường bán lẻ trong và ngoài nước, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và nằm trong nhóm 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm liền. Từ Co.opmart đầu tiên khai trương năm 1996, Saigon Co.op đã đa dạng, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ, phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng gồm: 87 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 120 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, 2 trung tâm thương mại Sense City, 1 trung tâm phức hợp, các cửa hàng Bến Thành, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op, 20 cửa hàng Co.op Smile và gần 200 cửa hàng Co.op, thương mại điện tử...

Về chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết có 5 nội dung cần phải làm của một nhà bán lẻ là hàng hóa, đó là logistics, vận hành, phát triển mạng lưới, phát triển nguồn lực và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động nhằm đảm bảo doanh số tăng trưởng bình quân hàng năm là 12%. Cũng theo ông Nhân, trong 5 nội dung, vấn đề nào cũng quan trọng ngang nhau và phải được triển khai đồng bộ. Cụ thể, ở mảng hàng hóa, Saigon Co.op sẽ thành lập những điểm mua tập trung, quy mô lớn và đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng các vùng nguyên liệu rộng lớn về nông nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến cung ứng và phân phối. Trong hoạt động vận hành, phát triển mạng lưới sẽ tăng tốc phát triển mạng lưới đối với các chuỗi và mô hình hiện có, tập trung về các vùng nông thôn; cải tiến các điểm bán hiện hữu đang có hiệu quả tốt và xây dựng thêm các mô hình kinh doanh mới. Tái cấu trúc và nâng cao quản trị hệ thống, đồng thời triển khai mạnh mẽ mô hình HTX tiêu dùng, dựa trên hàng triệu khách hàng thân thiết của Saigon Co.op.

Trong quá trình hoạt động, Saigon Co.op cũng tăng cường hợp tác với đối tác nước ngoài để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối của nước sở tại. Cách làm này đã đạt hiệu quả trong 5 năm gần đây, khi Saigon Co.op bắt tay với Tập đoàn NTUC FairPrice (một đơn vị HTX, đồng thời là nhà bán lẻ hàng đầu tại Singapore) tổ chức định kỳ tuần lễ hàng Việt tại gần 300 điểm bán của tập đoàn này tại Singapore. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đang có chủ trương sẽ xuất khẩu hàng Việt đến nhiều nước trong khu vực, bằng chính sản phẩm là hàng nhãn riêng Co.op.

Ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng thế hệ lãnh đạo hiện nay luôn gìn giữ, trân quý những thành quả của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp để có được vóc dáng Saigon Co.op ngày nay. Điều quan trọng, Saigon Co.op sẽ kiên định mục tiêu không ngừng tăng cường mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với người tiêu dùng và cộng đồng "Mình vì mọi người, mọi người vì mình". Phấn đấu duy trì vị trí nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trên cơ sở phát triển nhanh và bền vững chuỗi siêu thị Co.opmart, đồng thời xây dựng Saigon Co.op trở thành một tổ chức HTX tiêu biểu có tầm vóc và quy mô hoạt động trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra khu vực, luôn được khách hàng và đối tác tín nhiệm và tin yêu.

Đến năm 2020, Saigon Co.op phấn đấu có 130 siêu thị Co.opmart; mỗi năm phát triển từ 30 - 50 cửa hàng Co.op Food; phát triển 60 - 80 điểm bán/năm đối với cửa hàng Co.op; có 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra; phát triển thêm 3 - 5 trung tâm thương mại Sense; tập trung nghiên cứu mô hình cửa hàng tiện lợi phù hợp, theo đó mỗi năm phát triển từ 30 - 50 cửa hàng tập trung tại các khu vực đông dân cư của TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây; tiếp tục cải tiến kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op.

Theo SGGP Online

  Tags: