coopmart-ban cua moi nha
 
25 năm Saigon Co.op - Hành trình trở thành Nhà bán lẻ dẫn đầu
Tính đến cột mốc 25 năm, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã phát triển được 70 siêu thị Co.opmart, 75 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm thương mại Sense City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op... Con đường trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu thị trường trong nước này là cả một quá trình phấn đấu không ngơi nghỉ trong việc gắn kết với cộng đồng và tạo dựng niềm tin nơi khách hàng.

Gắn kết với cộng đồng

Được chuyển đổi từ Ban Quản lý HTX Mua bán Thành phố vào ngày 12-5-1989 – thời điểm nền kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường với vô vàn khó khăn đối với mô hình kinh tế HTX kiểu cũ, Saigon Co.op khi đó với hai chức năng chính là bán lẻ và tổ chức vận động phong trào HTX.

Bảy năm sau đó, đánh dấu cột mốc mới của Saigon Co.op chuyển hướng từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại với sự ra đời của siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, quận 1 và giờ đây thương hiệu Co.opmart đã trở thành chuỗi siêu thị rộng khắp cả nước. Ý tưởng khởi nguồn cho chuỗi siêu thị Co.opmart này xuất phát từ ước mơ về một “ngôi chợ” hiện đại nhưng thân thiện, gần gũi với tầng lớp bình dân và giới công chức, một bước đi khác so với các siêu thị ra đời trước đó chủ yếu hướng tới nhóm khách hàng có thu nhập cao.

Từ Co.opmart đầu tiên khai trương năm 1996, Saigon Co.op đã đa dạng, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ, phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng gồm: siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm Thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…

Trải qua 25 năm hoạt động, từ một tổ chức HTX nhỏ, đến nay Saigon Co.op đã trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu trong nước và nằm trong nhóm 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm liền. Có được thành công này, ngay từ đầu ban lãnh đạo Saigon Co.op xác định phải gắn kết với cộng đồng bằng nhiều hình thức.

Hàng hóa kinh doanh tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng. Để thực hiện được sứ mệnh này, Saigon Co.op đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp như ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các doanh nghiệp hàng Việt.

Ngay từ những ngày đầu khai trương siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op đã sát cánh cùng các nhà cung cấp tổ chức chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” - tiền thân của chương trình “Tự hào hàng Việt” hiện được tổ chức vào tháng 9 hàng năm; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và phân phối sản phẩm đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng; xây dựng một kênh truyền hình làm “sàn giao dịch” cho hàng Việt. Bước sang năm 2009, khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, Saigon Co.op nhanh chóng vào cuộc với nhiều chương trình cụ thể. Hàng năm, ban lãnh đạo Saigon Co.op chủ trương chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Đây là nền tảng để hàng Việt ngày càng tìm được chỗ đứng vững chắc trên các quầy kệ. Hiện tại, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống Co.opmart đã lên đến hơn 90%.

Saigon Co.op luôn xác định, nếu không có nguồn hàng cung ứng ổn định thì sẽ rất khó làm chủ giá cả. Do đó, theo Saigon Co.op, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp là điều quan trọng nhằm có được nguồn hàng lớn với chất lượng tốt. Nhà bán lẻ này đã xây dựng chiến lược tạo nguồn hàng với rất nhiều giải pháp cho từng nhóm hàng như đầu tư, ứng vốn, liên doanh liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp chiến lược, tập trung phát triển hàng nhãn riêng với chi phí được kiểm soát tốt và tiết giảm triệt để nhằm xây dựng giá bán tốt nhất.

Saigon Co.op là một trong những nhà phân phối đầu tiên tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu những mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP. Đây được xác định là nhóm hàng nhạy cảm do yếu tố thời vụ, có đặc tính khó bảo quản và đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh Nam bộ, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ TPHCM, mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng.

Tính từ năm 2012 đến nay đã có hơn 400 hợp đồng thương mại giữa TPHCM và các tỉnh được ký kết tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường thành phố. Trong đó, Saigon Co.op thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm với hơn 100 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh số hơn 925 tỉ đồng.

Chinh phục trái tim khách hàng

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT, Saigon Co.op không ngừng tìm hiểu nhu cầu của khách hàng của các hệ thống phân phối trực thuộc

Trong chiến lược xây dựng niềm tin và chinh phục người tiêu dùng, việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới cho Co.opmart vào giữa năm 2012 được đánh giá là để bắt nhịp với thị trường, tăng sự thu hút, hấp dẫn đối với khách hàng. “Đây là những nỗ lực của chúng tôi nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, khẳng định sự tận tâm, chuyên nghiệp và nhạy bén của Saigon Co.op trong tình hình mới”, ông Hòa chia sẻ.

Hiện tại, Saigon Co.op đang triển khai chương trình “Khách hàng thân thiết”, trong thời gian tới sẽ triển khai mô hình “hợp tác xã tiêu dùng” mà trong đó, khách hàng sẽ tham gia, gắn bó với Saigon Co.op trong một hợp tác xã. Saigon Co.op đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ triển khai thành công mô hình HTX tiêu dùng này để thu hút khách hàng và cán bộ nhân viên Saigon Co.op trở thành xã viên tham gia góp vốn và thường xuyên gắn bó mua hàng tại hệ thống.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố góp phần quan trọng cho thành công của Saigon Co.op không thể không nhắc đến là đội ngũ lao động đã gắn bó suốt 25 năm qua. Ông Hòa cho biết công tác đào tạo, huấn luyện phong cách phục vụ cho đội ngũ luôn được chú trọng. Ông thường nhắc nhở nhân viên rằng: “Để khách hàng luôn cảm nhận được các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chúng ta hứa với nhau rằng mỗi nhân viên phải ưu tiên cải thiện tốt chất lượng phục vụ. Mỗi người chính là một đại sứ của thương hiệu. Sự ân cần sẽ tạo nên mối gắn kết bền chặt với khách hàng”.

Những nỗ lực ấy đã giúp Saigon Co.op nhận giải thưởng “Dịch vụ khách hàng xuất sắc” do Liên đoàn Các hiệp hội bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương (FAPRA) trao tặng. Đây cũng là doanh nghiệp bán lẻ đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng này.

Nhìn lại chặng đường 25 năm với khởi đầu khiêm tốn là một siêu thị Co.opmart ở đường Cống Quỳnh (TPHCM) với khoảng 5.000 mặt hàng, 1.000 lượt khách mua sắm, doanh thu hơn 80 triệu đồng. Giờ đây, Saigon Co.op đã phát triển được các chuỗi bán lẻ rộng khắp, hàng ngày cung cấp hơn 4 triệu sản phẩm đến người tiêu dùng, đón tiếp 300.000 lượt khách hàng mua sắm, cung cấp 200.000 bữa ăn, phân phối 250 tấn hàng bình ổn với 14.000 nhân viên liên tục phục vụ khách hàng trong 14 giờ mỗi ngày.

Thành công của Saigon Co.op được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự gắn kết với cộng đồng. Đây tiếp tục là thế mạnh cạnh tranh của Saigon Co.op trong những năm tiếp theo trên cơ sở đa dạng hóa hệ thống phân phối, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và kinh doanh.
  Tags: