Tháng 6 đến Co.opMart để thực hiện quyền người tiêu dùng
Từ năm 2010, UBND TPHCM đã chọn tháng 6 tổ chức tháng tiêu dùng xanh. Đây cũng là tháng nhằm phát huy quyền của người tiêu dùng – quyền sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo nên phong trào tiêu dùng xanh trong xã hội và phong trào này sẽ góp phần đáng kể cải thiện hành vi ứng xử của doanh nghiệp với môi trường sống của cộng đồng.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm xanh trong siêu thị Co.op Mart
Môi trường xanh cần phát huy vai trò của cộng đồng
Tại hội nghị sơ kết chương trình giảm thiểu ô nhiễm của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, có đến gần 50% doanh nghiệp bị kiểm tra có hành vi vi phạm môi trường. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ số lần doanh nghiệp bị kiểm tra quá ít so với số thời gian họ hoạt động trong năm.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, toàn thành phố có khoảng hơn 100 cán bộ phụ trách môi trường. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp lên đến hơn 150 ngàn doanh nghiệp. Nếu phân hết cán bộ kiểm tra lần lượt các doanh nghiệp thì một năm cũng không thể quay vòng kiểm tra lại. Lợi dụng kẻ hở này nên không ít doanh nghiệp cố tình xả thải ra môi trường.
Trước thực tế đó, nhiều quận huyện đã hiến kế, đó là không có cơ quan chức năng nào có thể giám sát tốt bằng cộng đồng. Chỉ với cách phát huy tốt vai trò giám sát của cộng đồng mới mong kiểm soát chất lượng xử lý chất thải của doanh nghiệp. Thế nhưng làm thế nào để phát huy tốt vai trò của cộng đồng lại là câu hỏi không dễ thực hiện.
Đại diện Ban tổ chức chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh TPHCM khẳng định, kinh nghiệm qua ba năm tổ chức chiến dịch cho biết, để phát huy vai trò cộng đồng trước hết cần trang bị đầy đủ cho cộng đồng kỹ năng, kiến thức xác định hành vi vi phạm môi trường. Song song với hoạt động trang bị kiến thức đó, cần chỉ rõ những sản phẩm nào là của doanh nghiệp gây ô nhiễm sản xuất ra. Từ đó, kêu gọi cộng đồng từ chối sử dụng.
Ngược lại, nêu rõ đâu là sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường để khuyến khích cộng đồng ưu tiên sử dụng. Quan trọng hơn, hoạt động trên cần phải làm lâu dài và thường xuyên. Có như vậy mới “mưa dầm, thấm lâu”.
Quyền người tiêu dùng = sử dụng sản phẩm xanh
Xuất phát từ quan điểm trên, cứ mỗi tháng 6 hàng năm, tại hệ thống siêu thị Co.opMart tổ chức tháng tiêu dùng xanh – Đây là một trong chuỗi hoạt động chiến dịch tiêu dùng xanh do UBND TP chủ trì, Báo SGGP phối hợp với Sở Công thương TPHCM, và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP tổ chức. Tại đây, những sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường được trưng bày tại các ụ, kệ riêng. Mục đích nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết đâu là sản phẩm xanh.
Mặt khác, những khách hàng có hành vi ứng xử thân thiện với môi trường như sử dụng túi thân thiện môi trường, mua sản phẩm xanh… có thể nhận được quà tặng từ ban tổ chức chiến dịch tiêu dùng xanh. Hình thức tặng quà là sản phẩm xanh hoặc coupon tiêu dùng xanh cũng là giải pháp khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu dùng hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xanh, sạch của cộng đồng.
Điều quan trọng hơn, thông qua hình thức khuyến khích trên, người tiêu dùng sẽ phần nào phát huy quyền của mình – quyền lựa chọn những sản phẩm có trách nhiệm với cộng đồng cũng như từ chối sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp khác chưa cam kết bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.
Có thể nói, tính cho đến nay đã qua 3 năm triển khai chiến dịch, số lượng tình nguyện viên cũng như người dân tham gia hưởng ứng chiến dịch đã lên đến hàng triệu người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân băn khoăn với hoạt động này.
Chị Hoàng Thị Bích Trân, nhà hẻm 20A Phạm Hùng, quận 8 khẳng định, để người dân hiểu rõ hơn việc sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là có lợi cho sức khỏe, ban tổ chức cần chỉ rõ lợi đó như thế nào? Thậm chí, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nghĩa là họ đã và đang làm những gì? Cần thiết nêu rõ và phát đến tay người dân để họ được thông tin, từ đó kêu gọi người khác hưởng ứng với mình….
Riêng nhiều bạn sinh viên và công nhân đang làm việc tại khu chế xuất – khu công nghiệp cho rằng, thay vì tuyên truyền sử dụng sản phẩm xanh bằng cẩm nang, ban tổ chức cần tổ chức những chuyến xe lưu động trưng bày và bán sản phẩm xanh đến tận khu sinh viên, khu công nhân lao động.
Có như vậy mới giúp cộng đồng dễ dàng nhìn tận mắt, sờ tận tay những sản phẩm xanh và từ đó ưu tiên sử dụng về lâu dài. Và trong thời gian tới, những đóng góp của cộng đồng sẽ là những giải pháp hay giúp ban tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia gìn giữ môi trường sống của chính mình.
Hoàng Lan
|